Các chuyên dự báo dịp cuối năm, nhất là trong quý IV, việc xây dựng công trình nhà ở, bất động sản tăng trưởng trở lại sẽ khiến lượng tiêu thụ các sản phẩm thép trong năm 2022 có thể tăng trưởng quanh mức 7%-10%.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nửa đầu năm 2022, phần lớn các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do lượng hàng tồn kho cao với mức 1,42 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.
Ðể tháo gỡ khó khăn, nhiều nhà máy thép đã buộc phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất. Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Ða dự báo, thép xây dựng từ tháng 7 đến tháng 9 sẽ kém sôi động do thời tiết bước vào mùa mưa, đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính chu kỳ cho ngành thép khiến nhiều công trình xây dựng ảnh hưởng tiến độ.
Giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu mặt hàng này không còn tốt như trước. Gần đây, EU đang ngày càng siết chặt các chính sách bảo hộ thương mại đối với sản phẩm thép của Việt Nam, giảm hạn ngạch nhập khẩu.
Với điều chỉnh này, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang thị trường EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Trong khi đó, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm chưa khả quan khi tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, mùa cao điểm xây dựng đã qua,… khiến các doanh nghiệp thép “bí” đầu ra.
Ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép cả về phía cung và cầu khi giá nguyên vật liệu tăng, trong khi nhu cầu bị thu hẹp. Dự báo trong năm 2022, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6 triệu-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite 10 nghìn tấn.
Nhưng khả năng giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc,… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.
Bộ Công thương đã có những biện pháp bảo đảm cung cầu và bình ổn giá, theo dõi và xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.
Ngành Công thương đã tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng,…
Thời gian qua, các dự án đầu tư triển khai có phần chậm, kéo theo lượng thép tiêu thụ giảm khiến các doanh nghiệp thép buộc phải giảm công suất sản xuất, trong khi thép tồn kho từ trước còn khá lớn, cho nên khi giá giảm mạnh như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh. Doanh nghiệp nào tồn kho nhiều sẽ phải chịu cảnh “đầu vào cao, đầu ra thấp”, khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Các chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn đối với ngành thép, song với những kinh nghiệm tích lũy được trong việc ứng phó trên thị trường nhiều năm qua, vẫn có nhiều tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam có các giải pháp sáng tạo vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Dịp cuối năm, nhất là trong quý IV, việc xây dựng công trình nhà ở, bất động sản tăng trưởng trở lại sẽ khiến lượng tiêu thụ các sản phẩm thép trong năm 2022 có thể tăng trưởng quanh mức 7%-10%.