Gustave Eiffel tên thật là Gustave Bomickhausen. Ông là một kỹ sư nổi tiếng thế giới về những công trình bằng kết cấu thép, nhất là những cây cầu lớn.
Ngày 1 tháng 5 năm 1886, Bộ trưởng Bộ Công thương Pháp mở cuộc thi thiết kế một ngọn tháp cao 300m, đáy hình vuông có cạnh là 125m. Tòa tháp sẽ được dựng trên quảng trường Champ de Mars ở Paris để làm biểu tượng cho cuộc triển lãm quốc tế về thành tựu kinh tế khoa học kỹ thuật toàn thế giới vào năm 1889, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tư sản Pháp 1789. Nắm bắt cơ hôi, Gustave Eiffel đã thiết kế và nộp dự thi.
Đề án ngọn tháp của Gustave Eiffel được phê duyệt.
Sau khi ngọn tháp được phê duyệt xây dựng, các nghệ sỹ tên tuổi của nước Pháp đã gửi thư ngỏ cho Alphand, Tổng giám đốc Triển lãm quốc tế 1889. Bức thư được đăng trên tờ Le Temps ngày 14/02/1887 với lời lẽ phẫn nộ như sau: “Nhân danh Nghệ thuật và Lịch sử nước Pháp đang bị đe dọa, chúng tôi phản đối việc sẽ xây dựng ở giữa trái tim của thủ đô chúng ta cái tháp Eiffel vô dụng và quái dị…”
Bức thư ngỏ phản đối tiếp: “Hãy tưởng tượng một cái tháp lố lăng đến chóng mặt khống chế Paris như một ống khói nhà máy đen ngòm khổng lồ, cái hình khối man rợ của nó nghiền nát nhà thờ Đức Bà, bảo tàng Louvre, khải hoàn môn… Tất cả mọi công trình tưởng niệm của chúng ta bị sỉ nhục, tất cả mọi kiến trúc của chúng ta bị hạ thấp đi, chúng sẽ biến mất trong một giấc mơ hãi hùng…”
Tháng giêng năm 1887, tòa tháp được khởi công xây dựng. Hồ sơ thiết kế gồm 5.300 bản vẽ chi tiết hóa 18.038 thanh kim loại khác nhau, ghép lên ngọn tháp bằng 7 triệu đinh tán.
Chỉ với phương tiện thủ công và 250 công nhân trong hai năm, ngọn tháp cao nhất thế giới đã hoàn thành không một tai nạn chết người nào xảy ra.
Ngày 15/04/1889 việc xây dựng ngọn tháp đã xong, trước hôm khai mạc triển lãm quốc tế 22 ngày. Tổng kinh phí thấp hơn dự toán, chỉ tốn 7.779.401 quan và 31 xu.
Triển lãm quốc tế khai mạc ngày 7/5/1889. Trong 6 tháng đầu tiên đã có 1.968.287 lượt người lên tham quan ngọn tháp.
Lúc đầu giới nghệ sĩ phản đối việc xây dựng ngọn tháp, nhưng khi hoàn thành và khai mạc triển lãm, quần chúng lại hân hoan chào đón ngọn tháp và hình ảnh tháp Eiffel lại xuất hiện trên tranh của các họa sĩ, trong các câu thơ của thi sĩ và trong các bài ca của nhạc sĩ. Để trả lời thi sĩ Coppée gọi tháp Eiffel là “một cái cột nực cười”, nhà thơ Raoul Bonnery viết:
“… Một cái cột ư? Tôi chấp nhận từ này nhưng cái cột kiêu hãnh táo bạo, nó biết ngẩng cao đầu nói về tiến bộ lên tận trời”
“Một cái cột mà ban đêm chiếu những tia lửa trên thành phố mênh mông, ban ngày tung bay rạng rỡ lá quốc kỳ nước Pháp…” Báo Le Franc Journal viết tháng 5 năm 1889.
Theo thường lệ, sau triển lãm thì các công trình xây dựng phục vụ đều bị phá bỏ. Việc dỡ bỏ tháp Eiffel sau triển lãm đã được bàn đến rất nhiều vì nó đã hết công dụng. Nhưng phá đi thì quá phí vì toàn làm bằng kết cấu thép, người ta nghĩ cách sử dụng nó. Trước hết đặt một khẩu đại bác trên tháp để bắn báo giờ làm việc và tan tầm.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Thành phố Paris mở một cuộc triển lãm máy bay của Mỹ đã tham gia đại chiến ở ngay dưới chân tháp. Để dân Paris tận mắt thấy không lực Hoa Kỳ.
Tháp Eiffel ngày nay
Ngày nay tháp Eiffel là niềm kiêu hãnh của nước Pháp, của Paris. Du khách đến Paris không ai không tham quan ngọn tháp. Thang máy có cabin hai tầng đưa du khách lên tầng thứ nhất, ở đây có nhà hàng ăn uống, một phòng họp, một phòng chiếu phim.
Thang máy đưa tiếp lên sàn thứ hai, nơi có hiệu ăn cao cấp, có hiệu ảnh, quán giải khát và bán lưu niệm. Chuyển sang một thang máy khác đi suốt lên sàn thứ 3 ở độ cao 276m. Ở đây ta vào một căn buồng bát giác lớn có cửa sổ nhìn ra tứ phía. Nhìn về hướng Đông – Nam ta thấy trên cửa sổ ghi dòng chữ: Chỗ này cách Hà Nội 9,215km.
Hình dáng ngọn tháp là hình của sơ đồ chịu lực uốn (biểu đồ mô men) khi chịu lực gió ngang. Như vậy đường cong duyên dáng của ngọn tháp là để đáp ứng khả năng chịu lực của công trình. Vẻ đẹp đó xuất phát từ công năng của kết cấu thép.
Qua hơn 100 năm hiên ngang tồn tại, tháp Eiffel vẫn vươn cao ngạo nghễ trên bầu trời Paris cổ kính và tráng lệ. Tháp Eiffel vẫn đang viết tiếp câu chuyện lịch sử của mình.